Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI


DẪN NHẬP
------------
Phần dẫn nhập cuốn BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI
-----------
Nguyên tác: I never knew I had a Choice
Author: Gerald Corey & Marianne Schneider Corey
Publishing Director: Paul Tan / Assistant Publishing Manager: Pauline Tim / Senior Product Director: Janet Lim / Product Managers: Charles Ho & Andeline Ang / Translator: Nguyen The Tuan Anh / Copy Editor: Dinh Phuong Duy, Psy. D. & Duc Huy / Cover Designer & Image: Mai Que Vu / Compositor: Saigon Cultural Publishing House
Printed in Singapore
----------

Cuốn sách này dành cho hết thảy những ai đang mang khát vọng mở rộng tầm hiểu biết về bản thân, mong muốn khám phá những khả năng chọn lựa tiềm tàng trong mọi phương diện khác nhau của đời sống. Cuốn sách trình bày nhiều chủ đề quan trọng thường thấy trong quá trình sống và trưởng thành của con người: cách định hướng con đường trưởng thành cá nhân; cách hồi tưởng những kinh nghiệm ở thời thơ ấu và thiếu niên để tái khám phá sức tác động của các kinh nghiệm quá khứ đối với thái độ cư xử và cung cách chọn lựa trong hiện tại; những thách đố đặt ra cho những người ở vào lứa tuổi trưởng thành với các vấn đề liên quan đến ý chí tự trị; khả năng duy trì sức khỏe thể chất và sức sống tinh thần; cách xử lý rốt ráo các dạng stress trong đời sống thường ngày; mức độ thấu nghiệm các giá trị và tầm quan trọng của tình yêu, của các mối thâm tình, tương ái; vai trò của giới tính và tính dục; cung cách làm việc và chế độ nghỉ ngơi hợp lý; thái độ sáng tạo trong việc đối phó với cảnh cô độc và nỗi cô đơn; thái độ đón nhận cái chết và cảnh mất mát; khả năng chọn lựa và xây dựng các giá trị cá nhân; thái độ mở lòng đón nhận mọi nét khác biệt giữa con người với nhau; và những con đường giúp hoàn thiện nhân cách.

Cuốn sách này mang tính chất dành riêng cho mỗi cá nhân; qua đó, chúng tôi mời gọi bạn ngẫm xét về những quyết định chọn lựa bạn từng đưa ra trong quá khứ, về sức tác động của các quyết định đó đối với mức độ toại nguyện của bạn hiện thời; bên cạnh đó, chúng tôi cũng chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân liên quan đến nhiều vấn đề trong cuốn sách này. Mỗi chương sách đều bắt đầu bằng phần tự kiểm – “Hiện thời, tôi đứng ở đâu?” – giúp bạn biết chú tâm nhận định các niềm tin và thái độ bạn đang có về một vấn đề nào đó. Tiếp đó, các bài tập trong phần “Dành thì giờ suy ngẫm” cũng giúp bạn có dịp dừng lại để ngẫm nghĩ thấu đáo các ý tưởng thu lượm được qua từng chủ đề. Phần bài tập mở rộng ở cuối mỗi chương – “Từ đây, tôi có thể đi đâu?” – nêu lên một số điều gợi ý thực hành giúp bạn tìm được hướng áp dụng cụ thể vào cuộc sống thường ngày những gì đã suy tư, ngẫm nghĩ. Coi đây là cuốn sách đang còn viết dở, chúng tôi ước mong trông thấy độc giả trở thành những đồng tác giả qua việc ghi chép lại những phản ứng cá nhân trong lúc đọc và thực hành các điều đã đề nghị; làm như thế, độc giả sẽ có cơ hội tiếp tay để làm cho cuốn sách này nên trọn vẹn ý nghĩa.

Chương 1 phác họa một số mô hình trưởng thành nhân cách, các cách thức giúp định tính hành vi ứng xử nhằm triển khai các kế hoạch hành động hướng vào tiến trình thay đổi; tiếp đến, chúng tôi dành một phần sau hết để bàn về cách thức giúp bạn thu nhận được những ích lợi tối đa từ cuốn sách này.

Chương 2 bàn về tiến trình phát triển nhân cách trải dài từ thời thơ ấu đến thuở thanh niên, phác họa một số đường nét chính yếu trong mô hình tâm lý do Erikson đề ra và lý thuyết về lối tiếp cận “cái tôi trong bối cảnh”; dựa vào các phương pháp tiếp cận này, chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề thường thấy ở tuổi ấu thơ, tiến trình phát triển bản sắc cá nhân nơi lớp thiếu niên, cùng những thách đố đặt ra cho họ.

Chương 3 tiếp tục luận bàn về viễn cảnh bao quát các giai đoạn cuộc đời qua việc tập trung khảo sát lý thuyết tâm lý và viễn cảnh “cái tôi trong bối cảnh.” Ấn bản lần này cũng đưa ra một cuộc bàn luận đầy đủ hơn về các định kiến rập khuôn thường thấy áp đặt cho lớp lão thành.

Chương 4 có một tiết đoạn triển khai thêm về tình trạng sung mãn và về các khả năng chọn lựa trong đời sống. Trong lần tái bản này, chúng tôi đã duyệt lại và bổ sung một số vấn đề liên quan đến các cách thức cũng như những ích lợi trong việc tập luyện để duy trì tình trạng khỏe mạnh cho thể chất, luận bàn về phương pháp giữ gìn sức khỏe và cách phát triển các thói quen ăn uống với một chế độ hợp lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng coi yếu tố tinh thần như là khía cạnh cốt lõi đối với sức khỏe và tình trạng sung mãn của con người.

Chương 5 khảo sát về sức tác động của stress đối với cơ thể, về các nguyên nhân của – và về các phản ứng tiêu cực và tích cực đối với – stress. Phần mở rộng của chương này nêu bật sự việc tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến bệnh tật như thế nào. Các tiết đoạn – đã được hiệu duyệt và khai triển thêm trong ấn bản lần này – cũng giới thiệu cách thức sử dụng khả năng hài hước và phương pháp hành thiền như là những phương cách hữu hiệu giúp đối phó với tình trạng căng thẳng. Chương này cũng trình bày một số vấn đề liên quan đến cách quản lý thì giờ, tiền bạc, việc tập luyện yoga, phương pháp thư giãn sâu, và liệu pháp xoa bóp.

Chương 6 dành riêng để nói về tính đa dạng của các vấn đề liên quan đến tình yêu, về ý nghĩa của tình yêu, về các nỗi sợ phải yêu và được yêu. Trong ấn bản lần này, và trong chương này, chúng tôi đã bổ sung nhiều vấn đề về nội dung và về cách tổ chức trình bày.

Chương 7 bàn về các nguyên tắc giúp thiết lập các mối tương quan liên cá nhân có ý nghĩa, từ quan hệ bạn bè, tương quan đôi lứa (kể cả các mối quan hệ đồng tính của cả nam lẫn nữ), đến quan hệ gia đình. Chương này cũng bao gồm một tiểu đoạn bàn rộng về các mối quan hệ tính dục đồng giới.

Dù cách sắp xếp các chủ đề về vai trò giới, trong chương 8, cũng tương tự như các phiên bản lần trước, nhưng có một số điểm thay đổi đáng kể, như việc bổ sung thêm nhiều nguồn tài liệu tham khảo mới đặc biệt liên quan đến các vai trò của nam giới, của nữ giới trong lãnh vực công việc, cũng như nêu bật những thách thức đối với các quan niệm truyền thống về vai trò giới. Chương này cũng bàn tiếp về đề tài phát triển nhân cách, nhưng dồn trọng tâm vào vấn đề các kinh nghiệm sống có tác động thế nào lên kiểu quan niệm về giới.

Chương 9 đề cập đến các vấn đề về tính dục, chế độ kiêng cữ tùy chọn trong sinh hoạt tình dục; các giá trị của tính dục cùng các cung cách hành xử liên quan đến vấn đề này; cuộc khủng hoảng do căn bệnh HIV/AIDS mang lại, cũng như những tác động của nó đối với thái độ ứng xử trong vấn đề tính dục và một số phương cách thực tiễn giúp giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, ấn bản lần này cũng bổ sung thêm các vấn đề mới bao quát hành vi giao tiếp và mức độ thân mật. Vấn đề lạm dụng tình dục, các hành vi loạn luân, cưỡng dâm và quấy rối tình dục ở trường học và nơi công sở cũng được bàn đến trong chương này.

Chương 10 cập nhật một số nguồn tham khảo mới về vai trò của công việc và sinh hoạt giải trí trong đời sống thường ngày của con người. Một số tiết đoạn trình bày về các vấn đề liên quan đến quyết định chọn nghề và việc nghỉ hưu cũng được bổ sung và bàn giải sâu rộng hơn.

Chương 11 bàn về các cung cách sáng tạo trong việc ứng phó với cảm giác cô đơn, với một phần mở rộng trình bày về tâm trạng cô đơn trong lứa tuổi thanh niên và cảm giác cô độc trong kinh nghiệm mà những người nhập cư đã trải qua.

Chương 12 trình bày về những nỗi sợ của con người trước cái chết, về mối tương thuộc giữa sự sống và cái chết, về tầm hệ trọng của tâm trạng đau buồn, và hành động tự vẫn. Phần thảo luận mở rộng về vấn đề tự vẫn cũng trình bày cho thấy các quan niệm sai lạc và vô căn cớ liên quan đến vấn đề này với hành động tự vẫn có nhờ đến sự tiếp tay của bác sĩ. Các thông tin hướng dẫn về việc chăm sóc những người bệnh đang lâm cảnh hấp hối và về các giai đoạn hấp hối cũng được bổ sung trong ấn bản lần này.

Ý nghĩa cuộc đời là chủ đề trọng tâm mà chương 13 nhắm tới; một tiết đoạn mới bàn về vấn đề tôn giáo / tâm linh và ý nghĩa cuộc đời cũng được bổ sung vào.

Chương 14 mời gọi các bạn suy ngẫm về đích điểm bạn chọn để vươn tới. Ở đây, độc giả cũng được lưu ý rằng: cuộc hành trình hướng về mức trưởng thành nhân cách chỉ đang bắt đầu mà thôi. Ngoài ra, chương này cũng giới thiệu về các đường lối trưởng thành khác nhau, giúp độc giả có thể chọn một con đường phù hợp để theo đuổi trong hiện tại và trong cả tương lai.

Về căn bản, phương thức nghiên cứu – mà chúng tôi tiến hành để cho ra đời cuốn sách này – mang tính chất nhân văn, nhắm đến từng cá nhân một; tức là, chúng tôi nhấn mạnh đến sức lành mạnh và tính hữu hiệu của nhân cách, cùng các kinh nghiệm về nỗ lực tranh đấu mà đa phần chúng ta đã sống qua, trong tiến trình hình thành ý chí tự trị của con người. Chúng tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ nhận lãnh trách nhiệm về phần cá nhân đối với các điều chọn lựa mà chúng ta đã thực hiện, cũng như việc đưa ra các quyết định có ý thức nhằm thay đổi cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có thể thấy rất nhiều phương thức nghiên cứu về vấn đề điều chỉnh và phát triển nhân cách con người; và ở đây, trong cuốn sách này, chúng tôi tận dụng phương thức tiếp cận nhắm vào tính hiện sinh và nhân văn, bởi vì đối với chúng tôi, phương pháp này sẽ giúp soi tỏ cho thấy vai trò của hành vi chọn lựa cũng như trách nhiệm trong việc kiến tạo một đời sống mang ý nghĩa trọn vẹn cho chính chúng ta. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giới thiệu một số lý thuyết ở một số chương, như: lý thuyết chọn lựa và liệu pháp thực tiễn, phép phân tích tương tác, liệu pháp hành vi nhận thức, thuyết nữ quyền, thuyết “cái tôi trong bối cảnh,” và thuyết tiếp cận tâm lý đối với tiến trình phát triển.

Dẫu phương thức nghiên cứu của chúng tôi có mang tính chất nhân văn và hiện sinh đi nữa, thì chủ đích mà chúng tôi nhắm đến vẫn là: khuyến khích độc giả nhận ra và tự quyết về các điều lựa chọn, niềm tin, các giá trị của riêng mình, chứ không bắt buộc họ phải chọn theo một quan điểm đặc thù nào giữa các vấn đề đã trình bày. Tiền đề căn bản chúng tôi đưa ra là: thái độ cam kết dấn thân vào tiến trình tự khám phá bản thân có thể giúp khơi dậy các tiềm năng mới mẻ về các khả năng chọn lựa. Nhiều sinh viên và khách hàng – mà chúng tôi đã nhận tư vấn, hướng dẫn – đều là những con người có tinh thần cầu tiến khá cao, luôn khát khao nhiều điều từ cuộc sống, mong muốn nhận ra và vượt qua mọi rào cản để bước vào cảnh giới đầy sáng tạo và tự do. Đa phần những con người này luôn tìm kiếm các khóa học mang tính thực hành để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề thực tiễn trong đời sống thường ngày, cũng như để tạo được một đà thúc đẩy cho tiến trình trưởng thành nhân cách của chính họ. Để đáp ứng những nhu cầu đó, chúng tôi đã cho ra đời cuốn sách này.

Kinh nghiệm của những người đã từng đọc và thực hành cuốn sách này ở các phiên bản lần trước đã cho thấy rằng: các vấn đề mà chúng tôi trình bày đều mang tính khả dụng đối với các cá nhân thuộc mọi độ tuổi và tầng lớp. Các độc giả, trong những bức thư phản hồi, đã bày tỏ mức độ hài lòng về việc cuốn sách này đã giúp họ có được cái nhìn nghiêm túc đối với cuộc sống, khiến họ có thể tạo ra những thay đổi nhất định trong cuộc đời.

Cuốn sách này đã được triển khai thành hình thức các khóa học có chủ đề về tiến trình tự khám phá bản thân, bao gồm các đề tài như: Dẫn vào nghề Tư vấn, Nhóm Liệu Pháp, Tâm Lý học Phát triển Nhân cách, Tiến trình Phát triển Con người, Tiến trình Trưởng thành Con người và Nhân cách, Nhân cách với tiến trình Điều chỉnh, Dẫn vào Hành vi Ứng xử của Con người, các Quá trình Đời sống, Hữu hiệu tính của vấn đề Cá nhân và Liên Cá nhân, Tính cách và Xung đột, Hội thảo về Tiềm năng Con người, Tâm lý học về mức độ Sung mãn và tiến trình Điều chỉnh, và Tâm lý học Ứng dụng. Ngoài ra, cuốn sách này còn có thể được dùng đến trong các khóa hướng dẫn với đề tài tâm lý về trưởng thành nhân cách cho các sinh viên chưa tốt nghiệp, cũng như trong các khóa huấn luyện cho bậc giáo viên và các người hành nghề tư vấn. Cũng có thể lấy các chủ đề trong cuốn sách này để tổ chức thành các khóa tư vấn cho các nhóm nhỏ, hoặc các cuộc hội thảo huấn luyện cho nhóm các nhà lãnh đạo. Bất cứ một khóa huấn luyện nào muốn áp dụng phương thức tiếp cận mang tính tương tác đều có thể tìm thấy nơi cuốn sách này một công cụ ích dụng để triển khai trong các phiên thảo luận.

Tựu trung, mục đích quan trọng nhất chúng tôi nhắm tới là cung cấp cho độc giả một đường hướng suy tư về chính bản thân; và vì được tổ chức để nhằm khơi gợi khả năng suy ngẫm, nên cuốn sách này không thể được đọc với thái độ thụ động.

Ngoài ra, độc giả còn được khuyến khích nhìn lại hướng đi của đời mình và xem liệu mình có thích thú đi trên con đường đó hay không. Với tính chất tích cực và cởi mở trong các kinh nghiệm mà chúng tôi chia sẻ, việc tham dự vào các khóa học như thế sẽ có thể giúp từng cá nhân mở rộng mức độ hiểu biết chính mình cũng như phát triển thêm về ý chí tự chủ trong đời sống.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

LƯƠNG TÂM


Đang vẩn vơ suy nghĩ về lương tâm con người, chợt nhớ đến một truyện rất ngắn tôi dịch cách đây cũng đã lâu, bèn lôi ra đọc lại và cho lên đây để chia sẻ. Truyện rất ngắn này có tên Conscience, nằm trong tuyển tập Numbers in the Dark and Other Stories của bác Italo Calvino (cũng là tác giả cuốn The Baron in the Trees -- bản dịch tiếng Việt có tựa Nam tước trên cây, như các bác đã biết).

À, lúc trước, tôi có dịch một số truyện trong tuyển tập vừa nêu. Lần lượt, tôi sẽ edit lại và cho lên đây để các bác đọc vào giờ rảnh. :-d

-------------------------------

Chiến tranh nổ ra. Một gã tên Luigi muốn tình nguyện ghi tên xung lính.

Ai nấy đều hoan nghênh. Luigi tiến đến chỗ người ta đang phát súng trường, nhận một khẩu, rồi nói: “Giờ tui sẽ lên đường và ‘thịt’ một thằng có tên Alberto.”

Người ta hỏi hắn rằng Alberto là thằng nào.

“Kẻ thù,” hắn đáp, “kẻ thù của tui.”

Người ta giải thích cho hắn hiểu rằng nhiệm vụ hắn phải làm là đi giết cái đám kẻ thù như đã chỉ rõ, chứ chẳng phải đi lùng sục để giết một đứa nào đó hắn muốn.

“Thế cơ?” Luigi đáp. “Mấy người tưởng tui ngu lắm hử? Chính xác là cái thằng Alberto này cũng nằm trong cái đám kẻ thù các người muốn giết đấy. Lúc nghe mấy người sắp sửa kéo nhau đi đánh cái đám kẻ thù ấy, tui nghĩ bụng: tui cũng sẽ đi nữa, như thế tui mới ‘thịt’ được thằng Alberto kia. Sở dĩ tui đến đây cũng là vì chuyện ấy. Tui biết cái thằng Alberto đó: hắn là đồ lừa đảo. Hắn phản tui, bởi hắn từng biến tui thành thằng đần trước mặt một con đàn bà. Chuyện xưa đấy. Nếu mấy người không tin tui, tui sẽ kể hết đầu đuôi chuyện đó cho mấy người nghe.”

Họ bảo thôi thôi, thế đã được rồi.

“Thế thì,” Luigi nói, “mấy người cho tui biết đi: cái thằng Alberto kia đang ở đâu; tui sẽ mò tới đó và thịt nó.”

Họ bảo rằng họ không biết.

“Chả sao,” Luigi nói, “Tôi sẽ đi tìm ai đó có thể cho tui biết điều này. Sớm muộn gì rồi tui cũng sẽ tóm được cái thằng đó thôi.”

Họ cho hắn biết rằng hắn làm như thế là không được, rằng hắn phải đi đến nơi người ta chỉ định hắn đến để chiến đấu, và giết bất kỳ người nào ở đó. Họ chẳng biết tí gì về cái gã có tên Alberto kia đâu.

“Thế đấy!” Luigi vẫn cứ khăng khăng, “Chắc tui sẽ phải kể câu chuyện đó cho mấy người nghe quá. Bởi cái thằng đó đích thị là quân lừa đảo, và mấy người đang làm chuyện đúng khi sắp sửa lên đường đánh diệt hắn.”

Nhưng những người kia lại không muốn biết câu chuyện Luigi muốn kể.

Luigi thấy vô lý: “Xin lỗi, dưới con mắt mấy người, có thể chuyện tui giết đứa kẻ thù này hay đứa kẻ thù kia thì chả có gì khác nhau, nhưng tôi sẽ cảm thấy khó chịu nếu như tôi phải giết một ai đó chẳng có liên quan gì đến thằng Alberto kia.”

Mấy người ở đó bắt đầu mất kiên nhẫn. Một người bèn nhẹ nhàng tiến đến nói chuyện với hắn, giải thích cho hắn hiểu ra chiến tranh là cái gì và nhằm đến điều gì, rằng hắn không thể lên đường ra trận chỉ để tìm giết một đứa kẻ thù cụ thể nào đó hắn muốn.

Luigi nhún vai một cái. “Nếu sự tình là thế,” hắn nói, “thì xin mấy người cứ loại tôi ra khỏi đội quân này cho rảnh chuyện.”

“Anh đã đăng tên và giờ thì coi như anh đã gia nhập rồi,” họ quát lên.

“Bước đều, bước! Một-hai, một-hai!” Và họ gửi hắn ra trận.

Luigi thấy chả vui tí nào. Hắn sẽ phải giết người, thoải mái mà giết, chỉ để lần ra cho được cái thằng Alberto hay người nào đó khác trong gia đình nó. Cứ mỗi lần hắn ra trận và giết được địch, người ta lại trao cho hắn một cái huy chương; nhưng hắn lại thấy chả vui tí nào. “Nếu không thịt được thằng Alberto,” hắn nghĩ, “hẳn mình cứ phải tiếp tục giết hàng đống người mà chả được cái quái gì.” Và hắn thấy khó chịu trong lòng.

Trong lúc ấy, người ta cứ trao cho hắn hết cái huy chương này đến cái huy chương kia: bạc có, vàng có, tất tần tật các thứ huy chương.

Luigi nghĩ: “Bữa nay mình giết vài người, ngày mai mình giết thêm vài người, kẻ địch càng lúc sẽ càng bớt đi, và chắc chắn rồi cũng đến lượt cái thằng lừa đảo kia sẽ lòi mặt ra để mình thịt mà thôi.”

Thế nhưng, quân địch đã đầu hàng mà Luigi vẫn chưa tóm được Alberto. Hắn thấy khó chịu trong lòng vì đã giết rất nhiều người mà chả được cái tích sự gì; và giờ đây, hòa bình trở lại, hắn quyết định cho vào một cái bao tất cả các thứ huy chương hắn từng được trao, rồi xách đi đây đó khắp xứ sở của kẻ địch trước đây, trao chúng cho vợ con những người đã bỏ thân trong cuộc chiến.

Đang khi đi làm cái việc đó, hắn lại tình cờ chạm mặt thằng Alberto.

“Tốt rồi,” hắn nói, “muộn còn hơn không,” rồi ra tay ‘thịt’ ngay gã này.

Thế là người ta bắt hắn, xử hắn về tội giết người, rồi treo cổ hắn. Lúc ở phiên xử, hắn cứ không ngớt nói đi nói lại rằng hắn làm điều đó để lương tâm hắn được yên, nhưng nào có ai chịu nghe cái điều hắn nói.

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Lời thầm nguyện trong lúc tưới cây


Người ơi!
Bấy năm trời, con cứ lang thang đây đó, mong tìm một chốn vinh quang để náu thân giữa đời. Thế mà, vinh quang chưa thấy, lại thấy ánh sáng vĩnh cửu bị chặn đứng lại, khiến cho căn phòng nội tâm của con hóa tối tăm. Hành trình kiếm tìm của con chỉ dừng lại ở mức độ “tìm gì” chứ chưa vươn tới nổi cảnh vực “tìm Ai.” Ai đó (viết Hoa) chính là Anpha và Ômêga, là nơi mà con phát xuất và đi về. Con đã lạc lối giữa muôn lạc thú thế trần. Con đã tìm mình, tìm mọi sự cho mình mà quên mất Cội nguồn và Cùng đích...

Người ơi!
Xin cho con biết dành từng khoảnh khắc hiện tại mà suy ngẫm, mà nghiệm thấu về mức độ yêu thương mà Người hằng dành cho con. Con đã sinh làm người với một số khả năng vô cùng nhỏ bé; song dù chỉ với một nén bạc được trao, con sẽ gắng hết sức mà làm sinh lời một nén khác. Cả vốn lẫn lời, con sẽ không giữ lại cho riêng mình, nhưng sẽ trao lại về Người đã cho con để Người tùy quyết.
Con sẽ sống với lòng tri ân, dâng hết mọi tâm tình bé nhỏ lên Người. Và nếu lỡ một mai, Người có cất đi hết những gì đã trao ban cho con, con xin sẵn sàng và hoan hỷ thưa tiếng xin vâng.

Links

Comments

Sponsors

Notice

 

Follow Us: